Câu hỏi:
Giúp em bài tập về nhà Ngữ văn lớp 9 câu hỏi như sau: cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện ”lặng lẽ sa pa”
Trả lời 1:
Gia Sư Hoàng Khang gữi câu trả lời dành cho bạn:
DÀN Ý:
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Giới thiệu nhân vật anh thanh niên.
2. Thân bài
* Hoàn cảnh sáng tác tác phẩm
* Công việc của anh thanh niên
– Sống một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng làm việc với cây và mây núi.
– Công việc hàng ngày của anh là “đo gió,đo mưa ,đo chấn động mặt đất” rồi ghi chép, gọi vào máy bộ đàm báo về trung tâm phục vụ cho công việc chiến đấu và sản xuất.
– Công việc ấy đòi hỏi phải chính xác, có tính trách nhiệm cao.
-> Hoàn cảnh sống khắc nghiệt, công việc gian khổ. Đó là hoàn cảnh khó khăn rất lớn nhưng anh thanh niên vẫn có ý chí, nghị lực để vượt qua.
* Anh thanh niên rất yêu nghề và có trách nhiệm cao trong công việc
* Anh thanh niên có lẽ sống, lý tưởng sống cao cả đáng trân trọng
– Sống giữa những năm tháng chống Mĩ, anh khát khao được cầm súng ra mặt trận
– Ý thức được tầm quan trọng của công việc nên sắn sàng vượt gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ, sống cống hiến cho Tổ Quốc
* Anh thanh niên có tâm hồn trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống
– Là thanh niên, lại sống nơi vắng người, nhưng anh không sống buông thả, bừa bãi mà còn tổ chức cho mình một cuộc sống khoa học, văn hóa: nhà cửa gọn gàng, trồng hoa, nuôi gà.
* Phẩm chất
– Mến khách: hồ hởi giới thiệu công việc của mình
– Có tinh thần trách nhiệm: luôn hoàn thành công việc xuất sắc
-> Anh thanh niên là đại diện tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam
3. kết bài
– Tổng kết lại vấn đề
– Liên hệ bản thân
BÀI LÀM:
Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút rất thành công ở thể loại truyện ngắn và bút kí. Các tác phẩm của ông đều nhẹ nhàng gợi cảm đầy chất thơ. Tiêu biểu nhất phải kể đến đó chính là tác phẩm “Lặng lẽ sapa”. Tác phẩm đã khắc họa được vẻ đẹp của con người lao động trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc qua nhân vật anh thanh niên. Anh thanh niên hiện lên với một công việc gian khổ và những phẩm chất tốt đẹp. Anh chính là biểu tượng tiêu biểu cho thanh niên thời bấy giờ.
Bài Lặng lẽ sapa được Nguyền Thành Long sáng tác vào năm 1970, in trong tập truyện “Giữa trong xanh”. Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” kể lại cuộc gặp gỡ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên 27 tuổi trên đỉnh núi sapa. Qua đó, tác giả ca ngợi những con người tuy sống lặng lẽ giữa trong xanh nhưng rất nhân hậu, giàu chí hướng và hết lòng phục vụ đất nước. Anh thanh niên là nhân vật chính trong câu chuyện, qua tác phẩm anh hiện lên với vẻ đẹp của một người yêu công việc, hêt lòng với công việc cùng những phẩm chất tốt đẹp của con người.
Anh thanh niên là nhân vật chính trong truyện Lặng lẽ Sa Pa. Nhân vật anh thanh niên đó sống một mình trên núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm suốt tháng làm việc với cây và mây núi ở Sa Pa. Cuộc sống của anh tách biệt gần như hoàn toàn với cuộc con người. Quanh năm chỉ làm bạn với công việc và sự cô đơn. Thậm chí ngay trong lời giới thiệu với ông hoạ sỹ già và cô gái, bác lái xe gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”. Ngay cái tên gọi ấy thôi cũng đã nói lên được hết sự buồn tẻ và cô độc của anh trên ngọn núi phủ đầy sương mù này. Công việc hàng ngày của anh là “đo gió,đo mưa ,đo chấn động mặt đất” rồi ghi chép, gọi vào máy bộ đàm báo về trung tâm phục vụ cho công việc chiến đấu và sản xuất. Công việc của anh không khó nhưng phải đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác nhưng rất đơn điệu và nhàm chán. Ngày nào cũng vậy, anh phải đối mặt với các số liệu nhàm chán và vô vị ấy. Nó không những tẻ nhạt mà còn đòi hỏi yêu cầu chuyên môn cao. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt, công việc gian khổ, vất vả. Đó là thử thách rất lớn nhưng anh thiên niên đã vượt qua nó bằng ý chí, nghị lực.
Anh thanh niên có lẽ sống, lý tưởng sống cao cả đáng trân trọng. Sống giữa những năm tháng chống Mĩ, anh khát khao được cầm súng ra mặt trận. ANh khát khao được góp sức mình cho những chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Hiện nay khi ý thức được tầm quan trọng của công việc nên anh luôn sẵn sàng vượt gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ, sống cống hiến cho Tổ Quốc. Một người thanh niên trẻ tuổi mộng mơ mà không hề có những ước mơ, khát vọng cho bản thân mà chỉ một lòng hướng đến Tổ quốc thân yêu. Lý tưởng này thật nhân văn và cao đẹp.
Là thanh niên, lại sống nơi vắng người, nhưng anh không sống buông thả, bừa bãi mà còn tổ chức cho mình một cuộc sống khoa học, văn hóa: nhà cửa gọn gàng, trồng hoa, nuôi gà. Cuộc sống rất chuẩn mực của một con người yêu nghề, yêu thiên nhiên lại chăm chỉ, cần mẫn. Anh còn rất thích đọc sách nó như người bạn tâm tình, mang đến cho anh niềm vui và nguồn kiến thức bổ ích. Đối với anh sách giúp thỏa tâm hồn ham nghiên cứu, học hỏi của anh.
Sống trong hoàn cảnh và công việc gian khổ như vậy thì những phẩm chất đạo đức của anh lại càng sáng ngời hơn bao giờ hết. Trước hết, anh thanh niên rất yêu nghề. Anh giới thiệu chi tiết từng loại máy, từng dụng cụ của mình cho ông họa sĩ và cô kĩ sư. Khi kể chuyện với ông họa sĩ và cô kĩ sư anh nói với một thái độ rất hồ hởi, vui tươi, dường như người thanh niên này rất yêu công việc của mình. Anh tâm sự với mọi người “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Trong sự cô đơn nên anh rất hiếu khách và quan tâm đến người khác một cách chu đáo. Ngay từ những phút gặp gỡ ban đầu ,lòng mến khách ,nhiệt tình của anh đã gây được thiện cảm tự nhiên đối với người hoạ sỹ già và cô kỹ sư trẻ. Niềm vui được đón khách dào dạt trong anh,toát lên qua nét mặt,cử chỉ và sự hồn nhiên kể về công việc,đồng nghiệp và cuộc sống của mình nơi Sa pa lặng lẽ. Anh còn là một người có tinh thần trách nhiệm cao, anh luôn hoàn thành công việc một cách chính xác nhất, âm thầm, bền bỉ trong nhiều năm trời. Anh có một phong cách sống khiến mọi người phải nể trọng. Anh thấy công việc của mình vẫn chưa là gì so với những người khác. Anh ước ao được cống hiến sức mình cho đất nước. Khi ông họa sĩ bày tỏ ý muốn phác họa chân dung mình, anh từ chối vì tự thấy mình không xứng đáng với niềm cảm mến và sự tôn vinh ấy vì còn nhiều người xứng đáng hơn. Con người ấy thật khiêm tốn, giản dị. Tóm lại với những phẩm chất trên, anh thanh niên xứng đáng trở thành biểu tượng tiêu biểu cho thế hệ thanh niên trẻ trong thời kỳ xây dựng XHCN. Họ là những người nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiên vì Tổ Quốc tươi đẹp.
Bằng những chi tiết chân thực tinh tế ,ngôn ngữ đối thoại sinh động, giọng văn nhẹ nhàng, tha thiết, Nguyễn Thành Long đã kể lại một cuộc gặp gỡ tình cờ mà thú vị nơi Sa pa lặng lẽ. Vẻ đẹp của anh thanh niên hiện lên với những nét đẹp về tinh thần và tình cảm, cách sống để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Qua đo, thế hệ trẻ chúng ta hiện nay hãy ra sức cố gắng học tập, rèn luyện phẩm chất để trở thành một người có ích, góp công xây dựng đất nước.