Câu hỏi:
Giúp em bài tập về nhà Ngữ văn lớp 9 câu hỏi như sau: Thuyết minh con trâu ở làng quê việt nam có sử dụng yếu tố miêu tả và yếu tố nghệ thuật
Trả lời 2:
Gia Sư Hoàng Khang gữi câu trả lời dành cho bạn: “Trâu ơi ta bảo trâu nàyTrâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
Câu ca dao đã trở thành một lời ru quen thuộc, đi vào tiềm thức mỗi chúng ta từ ngày tấm bé. Hình ảnh gắn bó giữa người và trâu cũng từ đó mà mặc định không biến đổi. Đối với truyền thống nền văn minh lúa nước của nước ta, hình ảnh con trâu sớm đã trở thành biểu tượng của người nông dân Việt Nam.
Trâu có hai loại: trâu đực và trâu cái và là động vật nhai lại. Một đặc điểm khá dễ nhận ra của trâu, đó là nó không có hàm răng trên. Tấm thân của trâu rất chắc chắn, thân hình vạm vỡ nhưng thấp. Bụng to. Da của nó màu đen, rất dai nhưng được phủ bởi một lớp lông mềm bên ngoài nên có cảm giác rất mượt mà. Mũi trâu lớn, miệng trâu rộng, sừng có hình lưỡi liềm. Cân nặng trung bình của trâu cái là từ 350-400 kg thì trâu đực nặng từ 400-450kg. Bước đi của trâu chậm chạp nhưng chắc chắn. Cái đuôi luôn phe phẩy mọi lúc như để đánh động những chú ruồi không mời mà tới. Vì thưởng làm việc liên tục trên ruộng nên trau có thói quen ợ lên nhai lại. Khi chúng có thời gian ăn cỏ, chúng thưởng nhai qua loa để tích trữ càng nhiều thức ăn càng tốt cho những khi phải làm việc liên miên. Đó là lí do trâu có thể làm cả ngày mà không cần dừng lại nghỉ.
Với một ngoại hình như vậy, trâu là loài động vật rất khỏe và chịu khó. Xuất phát từ nền văn minh lúa nước, mảnh ruộng cày đã gắn chặt với đời sống bao nhiêu năm lao động của người dân Việt Nam. Công việc đồng áng vất vả kia tuy nặng nhọc, một nắng hai sương, vất vả vô cùng nhưng những người nông dân luôn có “người bạn cần mẫn” của mình là chú trâu luôn bên cạnh giúp đỡ, chăm chỉ cùng làm lụng. Dù ngày nắng hay ngày mưa, dù có gian lao vất vả, chỉ cần người cần đến, trâu sẵn sàng không quản ngại gian lao để cùng con người cầy cấy thửa ruộng, đem lại sự no ấm, yên tâm cho cả gia đình. Nên nông dân ta vẫn luôn có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Còn trâu thì có cần gì ngoài được con người cho ít ngọn cỏ ngoài đồng cùng một nơi để trú ngụ qua đêm. Đó là những ngày bận rộn với công việc đồng áng, còn những ngày nông nhàn, trâu lại làm bạn với tiếng sáo, với cánh diều mộng mơ của trẻ mục đồng trên những bãi cỏ rộng ngập nắng và gió. Những chú bé vắt vẻo trên lưng trâu đùa nghịch mà tạo nên những kỉ niệm tuổi thơ với cuộc sống làng quê khó quên đến tận những năm tháng về sau.
Là một loài động vật có sức lao động và trâu cũng là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Thịt trâu có hàm lượng đạm khá cao, hàm lượng chất béo thấp. Sữa trâu có tính năng cao trong việc cung cấp chất đạm, chất béo. Da trâu làm mặt trống, làm giày. Sừng trâu làm đồ mĩ nghệ như lược, tù và, … Trâu còn gắn liền với những lễ hội đình đám như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Những chú trâu đã được chăm sóc, luyện tập rất chu đáo từ lâu để chuẩn bị cho ngày hội hôm ấy. Con nào con nấy cũng vạm vỡ, sừng cong như hình vòng cung, nhọn hoắt, da bóng loáng, mắt trắng, tròng đỏ trông hung dũng oai phong chỉ chờ vào sân đấu.
Trong tiếng trống giục giã, trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người hai con trâu lao vào nhau mà húc, mà chọi. Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ rõ hình ảnh “trâu vàng” trong SEA GAMES 22, trâu không chỉ là giống vật nuôi quen thuộc của người nông dân Việt Nam mà đã trở thành hình ảnh thú vị đối với bạn bè quốc tế. Con trâu đã trở thành biểu tượng cho sự trung thực, cho sức mạnh và tinh thần thượng võ. Từ hình ảnh chú trâu vàng, các sản phẩm trâu tập võ, trâu chạy maratong, trâu đội nón… rất ngộ nghĩnh, độc đáo đã ra đời. Trong đời sống văn hóa tinh thần, trâu còn là con vật thiêng dùng để tế lễ thần linh trong ngày lề hội cơm mới, lễ hội xuống đồng. Tất cả đều chứng tỏ từ xa xưa đến nay, trâu vẫn gắn liền với đời sống của dân tộc trong mọi mặt kể từ cuộc sống đời thường đến lao động, văn hóa, phong tục, đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc dân tộc.
Mang những giá trị to lớn về mọi mặt của đời sống nhân dân, con trâu đã trở thành một “nhân vật” không thể thiếu và xứng đáng để con người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và quý trọng chúng.Cho dù trong cuộc sống hiện đại ngày nay, rất nhiều loại máy móc xuất hiện thay thế vai trò của trâu trong lao động, sản xuất nhưng hình ảnh và ý nghĩa của con trâu luôn là một phần nếp sống tinh thần không thể thiếu của mỗi người nông dân đất Việt.
Trả lời 1:
Gia Sư Hoàng Khang gữi câu trả lời dành cho bạn:
“Con trâu đen lông mượt
Cái sừng nó vênh vênh
Nó cao lớn lênh khênh
Chân đi như đập đất”
Có ai về những vùng quê chuyên canh tác lúa sẽ dễ dàng nhận ra họ nhà trâu chúng tôi. Cảnh trâu cày bừa trên đồng ruộng, trâu thơ thẩn gặm cỏ ở bãi đất ven sông, trâu kéo xe trên con đường làng là một trong những nét đẹp của bức tranh thanh bình ở làng quê Việt Nam.chuồng trâu được xây chắc chắn cạnh nhà người nông dân cũng đủ thấy sự gắn bó thân quen của chúng tôi với con người.
Trâu vốn thuộc họ Bò, phân bộ Nhai lại, nhóm Sừng rỗng. Nghe kể lại, tổ tiên chúng tôi là loài trâu rừng được thuần hoá, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Trọng lượng trung bình của loài trâu là khoảng 350kg đến 450 nên thân hình rất vạm vỡ, lưng rộng như tấm phản nhỏ, bốn chân vững chãi, khoẻ mạnh để nâng đỡ thân hình lực lưỡng đó. Chúng tôi khoác trên người bộ lông màu xám hoặc xám đen. Do sống ở vùng nhiệt đới lại quen với công việc tay lấm chân bùn trên đồng ruộng nên lông trâu thưa và ngắn để lộ nước da đen bóng. Trên đầu trâu có đôi sừng cong cứng như hình lưỡi liềm . Đôi sừng đó góp phần làm tăng thêm vẻ oai vệ cho trâu vừa là vũ khí lợi hại khi bị kẻ khác tấn công.
Tuy vóc dáng thô kệch nhưng chúng tôi rất hiền lành lại biết phụ giúp người nông dân trong công việc đồng áng. Lực kéo trung bình của trâu trên ruộng từ 0,36 mã lực đến 0,40 mã lực. Vào mùa vụ, cứ sáng tinh mơ, ông mặt trời chưa thức dậy thì các bác nông dân đã dắt trâu ra đồng cày ruộng. Bước xuống ruộng, chúng tôi đứng ngoan ngoãn để cho chủ mắc ách vào vai . Khi lưỡi cày cắm sâu vào đất , theo hiệu lệnh của bác nông dân với nhịp roi tre khe khẽ trên mông, chúng tôi gò lưng, kéo cày. Dưới sức kéo của trâu, lưỡi cày lật đất thành từng luống thẳng tắp. Đến đầu bờ bên kia, trâu dừng lại, chờ chủ nhấc cày lên rồi quay đầu tiếp tục công việc. Hết công việc cày ruộng thì đến công việc bừa đất. Trâu kéo những chiếc trục bừa dài trên bai mét có gắn những bánh xe răng cưa giúp cho đất thêm tơi xốp. Công việc cày bừa rất nặng nhọc. Chiếc áo nâu của người nông dân ướt đẫm còn lưng trâu thì cũng bóng nhẫy mồ hôi. Nhờ có trâu mà người nông dân bớt phần vất vả. Cho nên lúc nghỉ ngơi, các bác nông dân thường cho thưởng cho trâu một bó cỏ tươi non. Tình nghĩa gắn bó giữa người nông dân và con trâu rất sâu sắc :
“ Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”
Sống gần gũi với những người dân lương thiện, quanh năm tay lấm chân bùn, cần mẫm chăm chỉ trong nghề trồng lúa, chúng tôi yêu mến họ rất nhiều và có những kỉ niệm không sao quên được. Ngoài công việc đồng áng, chúng tôi còn được tham dự những lễ hội mang tính truyền thống ở làng quê Việt Nam. Chúng tôi rất thích lễ hội chọi trâu được tổ chức ở Đồ Sơn ( Hải Phòng) vào ngày mồng mười tháng tám âm lịch:
Dù ai buôn đâu bán đâu
Mùng mười tháng tám chọi trâu thì về
Đó là dịp để cho các đấu sĩ trâu biểu dương sức mạnh của mình. Ngay từ đầu năm, các làng xã đã chuẩn bị cho việc chọn trâu với các tiêu chuẩn : thân hình vạm vỡ, cổ dài, đầu nhỏ, sừng cứng, xoáy tròn…Trước khi thi đấu phải làm lễ trình trâu với đức tôn thần, trong đoàn diễu hành có phường bát nhạc, có một đoàn trai tráng khoẻ mạnh trong đồng phục đỏ dắt theo những chú trâu tham dự trận đấu. Đến giờ thi đấu, từng đôi trâu được đưa vào sới. Lúc đầu, hai đấu thủ còn gườm nhau như thể đánh giá đối thủ rồi lao vào nhau với những đòn chí mạng, nào là dùng đầu húc, lúc thì đôi sừng xoắn vào nhau , bốn chân trâu choãi ra lấy thế, hất tung đất cát. Cuộc đấu càng quyết liệt thì không khí nơi diễn ra thi đấu càng sôi nổi, náo nhiệt, tiếng reo hò, cổ vũ vang lên khắp nơi. Chú trâu thắng cuộc cùng chu nhận vòng nguyệt quế và giải thưởng trong niềm vui sướng hân hoan.
Còn đối với tuổi thơ ở nông thôn, loài trâu chúng tôi cũng có nhiều kỉ niệm. Ngay từ nhỏ, các chú đã biết giúp đỡ cha mẹ trong việc chăn trâu. Các chú bé thường dắt chúng tôi đến những bãi cỏ tươi non . Vừa nhai cỏ, trâu tôi thích thú ngắm nhìn những gương mặt thơ ngây, nước da rám nắng đang cười giòn giã, nắc nẻ với những trò chơi đuổi bắt, đánh trận giả… Nắng lên, các chú bé đội chiếc nón lá, nhìn xa như những cái nấm di chuyển trông thật ngộ nghĩnh. Lúc chiều về, khi trâu đã no cỏ, các chú dẫn trâu về nhà. Trên con đường đất gồ ghề, tiếng chân trâu gõ lộp độp, tiếng hát nghêu ngao của các chú bé “ Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ …” là hình ảnh khó quên về làng quê Việt Nam trong lòng họ nhà trâu chúng tôi
Ngẫm nghĩ, họ nhà trâu chúng tôi đã gắn bó với người nông dân trong một thời gian dài đối với một nước có nền nông nghiệp là chủ yếu như Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào về điều đó. Dù hiện nay, với đà phát triển của khoa học kĩ thuật, máy cày, máy bừa đã thay thế cho sức trâu, nhưng chúng tôi không buồn đâu . Ngày nào loài người còn cần đến trâu thì chúng tôi sẽ phục vụ hết lòng cho con người.
Chúc bn học tốt