Câu hỏi:
Giúp em bài tập về nhà Ngữ văn lớp 12 câu hỏi như sau: cảm nhận về nhân vật Mị qua hai đoạn văn
”Mỗi ngày Mị càng không nói…đến bao giờ chết thì thôi.”
“Trong bóng tối, Mị đứng im lặng… nghĩ mình không bằng con ngựa.”
giúp em với ạ
Trả lời 2:
Gia Sư Hoàng Khang gữi câu trả lời dành cho bạn:
Có ai đó đã từng nói: Thơ cám dỗ người đọc bằng ngôn từ, còn truyện ngắn lại cám dỗ người đọc bằng chi tiết, hình ảnh. Bởi vậy, sáng tạo chi tiết, hình ảnh độc đáo đòi hỏi nhà văn phải lựa chọn nghiêm ngặt sao cho cô đọng, hàm súc, ấn tượng, ám ảnh. Với ý niệm ấy, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài thực sự đã để lại cho người đọc những ấn tượng đặc sắc, có sức hút lớn. Đặc biệt là qua hai hình ảnh miêu tả nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân :
Trong đêm tình mùa xuân: “Trong bóng tối […] mình không bằng con ngựa”
Tô Hoài là nhà văn có vốn hiểu biết rất sâu rộng về nhiều vùng văn hóa khác nhau trên đất nước ta, đặc biệt là vùng văn hóa Tây Bắc – nơi ông có chuyến đi dài tám tháng cùng bộ đội vào giải phóng vùng đất này, để rồi từ đó “Vợ chồng A Phủ” đã ra đời. Ông cũng là nhà văn luôn hấp dẫn bạn đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải với vốn từ vựng giàu có, phong phú – nhiều khi rất bình dân nhưng nhờ cách sử dụng đắc địa và tài ba nên có sức lôi cuốn, lay động người đọc.
“Vợ chồng A Phủ” trích trong tập “Truyện Tây Bắc” là tác phẩm tiêu biểu của Tô Hoài viết về vùng đất và con người Tây Bắc bao la và nghĩa tình. Tác phẩm vừa là bức tranh chân thực về cuộc sống bi thảm của người dân nghèo dưới ách áp bức bóc lột của chủ nô miền núi, vừa là bài ca ca ngợi sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do mãnh liệt của của con người. Tiêu biểu cho nội dung ấy là hình tượng nhân vật Mị – một hình tượng nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn chứa đựng nhiều thông điệp của nhà văn. Hình tượng nhân vật này đã được nhà văn Tô Hoài tập trung khắc họa một cách ấn tượng, chân thực và sinh động qua hai đoạn văn: Đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ. Có thể nói, đây là hai đoạn trích tuyệt bút thể hiện tài năng bậc thầy của Tô Hoài trong việc miêu tả nội tâm nhân vật.
Đoạn văn là hình ảnh nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân với sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong hoàn cảnh bị vùi dập.
Trước đó nhà văn miêu tả nhân vật Mị – một cô gái trẻ đẹp, giàu nhân phẩm, giàu tài năng âm nhạc với điệu sáo làm say mê lòng người. Vì món nợ nhà giàu của cha mẹ, Mị bị bắt làm dâu gạt nợ trong nhà thống lý, cuộc sống thống khổ như trâu ngựa dần biến Mị thành người đàn bà câm lặng, chai sạn, băng giá. Thể xác bị bóc lột, tinh thần bị tê liệt, mất ý thức phản kháng bởi sự cầm tù của thần quyền và cường quyền. Đêm tình mùa xuân đến, cùng với sự náo nức rạo rực của đất trời là sự náo nức trong lòng Mị. Cùng với tiếng sáo và men rượu nồng nàn, Mị đã sống dậy những phút giây hạnh phúc nhất của tuổi trẻ. Mị nhận thức được thanh xuân của mình. Mị thấy “Mị trẻ lắm. Mị vẫn đang còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Khát vọng tự do cháy bỏng khiến Mị quên đi nỗi sợ hãi về cường quyền và thần quyền. Mị thắp đèn, cuốn lại tóc, lấy váy hoa, rút thêm cái áo sửa soạn đi chơi. Nhưng A Sử đã nhẫn tâm vùi dập Mị bằng một thúng sợi đay, hắn trói Mị vào cột, “tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa”.
Chính lúc này đây, sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong con người lao động được bộc lộ sâu sắc và mãnh liệt nhất. Chính sức sống ấy đã làm Mị quên đi nỗi đọa đày khổ nhục, quên đi đớn đau về thể xác. Câu văn đầu mở ra hình ảnh tội nghiệp của Mị: “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng như không biết mình đang bị trói”. Cái “im lặng như không biết mình đang bị trói” ấy không phải là sự vô cảm, sự nhẫn nhục thường thấy ở người đàn bà này. Đây chính là lúc mà thể xác của Mị đã không còn cảm nhận được nỗi đau. Bởi thể xác Mị nằm đây giữa bốn bức tường lạnh lẽo, nhưng tâm hồn Mị thì đang ở ngoài kia – thế giới của thiên đường mênh mang tiếng sáo gọi bạn tình. Men rượu chưa tan, men rượu còn nồng nàn trong Mị, hương rượu quyện hòa trong hương thơm của men tình dặt dìu theo tiếng sáo. Nếu trước đó tiếng sáo là tác nhân đã phá tan lớp băng vô cảm, đã mở toang cánh cửa trái tim Mị để đón nhận hương đời. Thì nay, sáo đã trao cho Mị chiếc chìa khóa vàng để lòng khát khao sống, khát khao yêu được bùng cháy. Lúc này đây trong cơn say, tiếng sáo lại một lần nữa đến bên Mị, cứu rỗi linh hồn Mị, dìu Mị đi trong những “cuộc chơi, những đám chơi”. Tình yêu của Mị dành cho tuổi trẻ, cho cuộc đời còn nồng nàn lại được tiếng sáo nâng đỡ, dìu dắt khiến cho tình yêu ấy càng đắm say, ngây ngất. Tiếng sáo đã không còn “lửng lơ bay ngoài đường” nữa mà đã nhập vào hồn Mị. Tâm hồn Mị như rung lên cùng nhịp sáo:
“Em không yêu, quả pao rơi rồi
Em yêu người nào, em bắt pao nào”
Có thể nói, tiếng sáo là chi tiết hay nhất trong “Vợ chồng A Phủ”, là “hạt bụi vàng” của tác phẩm. Nhờ chi tiết tiếng sáo mà người đọc nhìn thấu được cảm xúc, tâm trạng cũng như sự hồi sinh mạnh mẽ, mãnh liệt ở Mị. Tiếng sáo là biểu tượng cho thế giới tự do, là hiện thân của tuổi trẻ, tài năng và ký ức đẹp tươi của Mị. Bởi thế chính tiếng sáo là âm thanh hay nhất, lay động nhất tới sự hồi sinh của nhân vật. Sức mạnh tiếng sáo và giấc mơ tự do đã khiến Mị quên đi thực tại ê chề. Đúng như Tô Hoài từng nhận định: “Tiếng sáo kia quá tha thiết, quá mạnh mẽ, nó dìu hồn Mị bay lên trên hoàn cảnh, nó là biểu tượng của niềm khát sống, khát khao yêu, ở đây còn là lòng khao khát tự do nữa”. Tâm hồn Mị như đang thăng hoa cùng tiếng sáo gọi bạn tình. Thế giới nội tâm ấy thật đẹp biết bao!
Nhưng cũng chính tiếng sáo là tác nhân khắc sâu thêm bi kịch của Mị. Tiếng sáo nhập vào hồn Mị khiến Mị quên đi thực tại đau buồn nhưng cũng chính nó lại đánh thức thực tại của Mị. Nghe tiếng sáo, “Mị vùng bước đi”. Bốn chữ “Mị vùng bước đi” thật ngắn gọn nhưng hàm chứa trong đó là sức phản kháng, sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Câu văn tinh tế, sâu sắc, gợi ra biết bao suy tưởng về nhân vật. Làm sao Mị có thể vùng bước đi khi đã bị trói bằng cả một thúng sợi đay? Nhưng Mị đã “vùng bước đi” thật. Mị không ý thức được hoàn cảnh thực tại, bởi Mị là kẻ mộng du đang lang thang với giấc mơ tự do của mình. Chỉ khi “tay chân đau không cựa được”, Mị mới thoát khỏi cơn mộng du của mình. Lúc này, nỗi đau thể xác hiện hữu cùng âm thanh tiếng chân ngựa đạp vào vách làm hiện thực trở nên phũ phàng, cay đắng. Tiếng sáo vụt biến tan, chỉ còn tiếng chân ngựa. Tiếng chân ngựa là âm thanh của thực tại, tiếng sáo là hiện thân của giấc mơ. Tiếng chân ngựa đã đập vỡ giấc mơ và khát vọng tự do của Mị, kéo Mị từ thiên đường trở lại địa ngục. Thế giới giấc mộng không còn, thế giới của thiên đường cũng biến mất, chỉ tiếng “gãi chân, nhai cỏ” là có thật. Mị quay trở về với hiện thực đau buồn, chợt cay đắng nhận ra thân phận thật sự của mình: “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Đề ra và bài làm của thầy Phan Danh Hiếu.
Có thể nói: Bi kịch của cuộc sống hiện tại không ngăn được khát vọng tự do mãnh liệt như ngọn lửa đang bùng cháy trong Mị. Đêm tình mùa xuân đi qua, Mị vẫn trở về với ô cửa lỗ vuông, với tảng đá cạnh tàu ngựa, vẫn những công việc đầu năm, giữa năm, cuối mùa vẽ ra trước mắt. Nhưng tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân giống như một tia lửa nhỏ mà “một tia lửa nhỏ hôm nay báo hiệu đám cháy ngày mai” (Lỗ Tấn). Tia lửa ấy sẽ bùng cháy vào ái đêm cởi trói cho A Phủ và cùng anh trốn khỏi Hồng Ngài sau này.
Trả lời 1:
Gia Sư Hoàng Khang gữi câu trả lời dành cho bạn:
Đoạn văn “Mỗi ngày Mị càng không nói… đến bao giờ chết thì thôi” đã diễn tả tình cảnh khổ sở, đáng thương của Mị khi bị bắt về nhà Thống lý Pá Tra. Khi sự khổ sở và bóc lột đã lên đến đỉnh điểm, Mị ngày càng trở nên cam chịu, chấp nhận và chai lì về mặt cảm xúc. Đoạn văn là lúc Mị đã chấp nhận cái khổ sở mà không nghĩ cách thoát ra nữa. Hình ảnh so sánh “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” đã diễn tả sinh động sự cam chịu của Mị. Hình ảnh chiếc cửa sổ nhỏ xíu ở buồng Mị, nhìn ra không biết là sương hay nắng vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh ẩn dụ của sự giam cầm tuổi thanh xuân, của sự bí bách ngột ngạt đến tột cùng của Mị. Mị cam chịu sống như vậy đến lúc chết. Từ đó, người đọc thấy được số phận khổ sở của Mị nói riêng và những người dân lao động nghèo nói chung. Tiếp theo, đoạn văn “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng… nghĩ mình không bằng con ngựa.” đã diễn tả tình cảnh đáng thương, bị tước đoạt đi quyền được tự do, vui chơi của Mị. Trong bóng tối, dù đã bị trói nhưng nhờ rượu mà tâm hồn Mị đi theo tiếng mời gọi của cuộc vui ngoài kia. Chính vì thế, dù bị trói nhưng Mị vẫn khao khát được hạnh phúc, được vui chơi nên “vùng bước đi” mạnh mẽ để đi theo tiếng gọi của trái tim mình. Thế nhưng thực tại đã kéo Mị về với khổ đau, với tiếng chân ngựa. Thế rồi, Mị đau xót với hoàn cảnh thực tại và thấy mình còn chẳng bằng con trâu, con ngựa nhà Thống lí. Số phận của Mị khổ sở, đau xót. Tóm lại, cả hai đoạn văn đều diễn tả số phận của Mị ở những hoàn cảnh khác nhau, diễn biến tâm trạng khác nhau.