fbpx

Ngữ văn Lớp 11: phân tích và nêu cảm nhận của em về 13 câu đầu của bài thơ vội vàng

Câu hỏi:
Giúp em bài tập về nhà Ngữ văn lớp 11 câu hỏi như sau: phân tích và nêu cảm nhận của em về 13 câu đầu của bài thơ vội vàng


Trả lời 2:
Gia Sư Hoàng Khang gữi câu trả lời dành cho bạn:

Nhắc đến Thơ Mới người ta không thể không nhắc đến Xuân Diệu- một nhà thơ được nhận định là ” mới nhất trong các nhà thơ Mới”. Những sáng tác của ông đều đem đến cho người đọc một sự yêu đời, niềm vui về cuộc sống và một niềm khao khát cuộc sống đến mãnh liệt cùng với đó là một hồn thơ mới lạ, mang đến cho độc giả cái nhìn mới mẻ. Được thể hiện rõ nhất trong bài thơ ” Vội vàng”. Và 13 câu đầu đã để lại những ấn tượng khó quên cho người đọc. Những tư tưởng triết lí cũng thế mà được gửi gắm chân thành tự nhiên.

Mở đầu bài thơ tác giả bày tỏ thái độ oai nghiêm như muốn đoạt quyền tạo hóa. Điệp ngữ “tôi muốn” và thể thơ ngũ ngôn với tiết tấu nhanh, mạnh, dứt khoát đã góp phần thể hiện khát khao thiết tha, mãnh liệt của thi sĩ. Đó là ước muốn tắt nắng buộc gió để “màu đừng nhạt mất” để “hương đừng bay đi”. Nếu thời gian đi bằng nắng, bằng gió làm nhạt màu, làm phai hương thì nhà thơ muốn níu giữ thời gian ngưng bước, để màu sắc và hương thơm còn mãi với cuộc đời, để giữ mãi thời tươi xuân thì của tạo vật. Đó là ước muốn bất tử hóa cái đẹp, giữ cho cái đẹp tỏa sắc lên hương vì đóa hoa hương sắc cuộc đời tươi thắm, ngọt ngào mà mong manh, ngắn ngủi biết bao. Có thể nói đằng sau ước muốn phi lí ấy là một tâm hồn yêu người với thái độ trân trọng, nâng niu và gìn giữ.

Là một nhà thơ khát khao giao cảm với đời, sự mong muốn chiếm lĩnh vẻ đẹp thiên nhiên của nhà thơ phải chăng xuất phát từ bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nơi thiên đường trần thế đang mơn mởn non tơ.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Như ngàn lời mời gọi, điệp ngữ “này đây” được lặp đi lặp lại 5 lần từ đầu đến cuối đoạn thơ trên, vừa diễn tả sự giàu có, phong phú bất tận của thiên nhiên vừa thể hiện cảm giác hân hoan, vui sướng của tác giả. “Này đây” là sự hiện hữu của hương sắc cuộc đời, của thiên nhiên trần thế, không phải xa xôi mà gần gũi ngay trước mắt, không phải ở kiếp khác, không phải ở tương lai hay quá khứ mà ngay trong lúc này.

Điệp từ “của” lặp lại khiến câu thơ có vẻ hơ Tây và mới lạ. Sau từ “của” mang tính chất kết nối ấy bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nơi thiên đường trần thế lần lượt hiện ra, vườn xuân cũng là vườn yêu, vườn tình, vườn ái ân hạnh phúc. Thiên nhiên tạo vật say sưa, rộn ràng, mê mải trao gửi sắc hương, xui khiến lòng người ngất ngây tận hưởng, để thi nhân tạo hóa thành tình nhân.

Chính cái nhìn trẻ, cặp mắt xanh non biết rờn luôn lấy con người làm chuẩn mực của cái đẹp đã tạo nên vẻ đẹp riêng trong bức tranh xuân của thi sĩ. Tuần tháng mật của yêu thương vội chốc trở thành mùa vui của bướm ong dập dìu, cành xuân đã hóa thành cành tơ phơ phất đầy nhựa sống, tiếng hót say sưa của chim yến, chim oanh trở thành điệu tình si say đắm lòng người và bình minh xuân diễm lệ mang gương mặt của người đẹp kiều diễm với rèm mi ánh sáng.

Bằng tâm hồn phong phú và trí tưởng tượng dồi dào của mình với câu thơ:

“Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa”

Thi nhân đã tạo ra sự bất ngờ đầy thú vị bởi sự liên tưởng bất ngờ hết sức độc đáo. Hình ảnh “thần vui hằng gõ cửa” gợi liên tưởng gần gũi với hình tượng mặt trời trong thần thoại Hy Lạp xưa, cũng có thể là vị thần mang niềm vui ban tặng cho thế gian vào mỗi buổi sớm ban mai, đánh thức mọi người dậy để tận hưởng thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp. Với Xuân Diệu mỗi ngày được sống, được chiêm ngưỡng ánh dương, được tận hưởng sắc hương của vạn vật là một ngày hân hoan vui sướng. Và trong niềm hân hoan vui sướng đó ngòi bút của Xuân Diệu thật sự rất xuất thần, ông đã sáng tạo nên 1 câu thơ tuyệt bút:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Đây là câu thơ mới mẻ nhất, hiện đại nhất, đã khái quát được sự hấp dẫn của mùa xuân bằng sự so sánh vô cùng độc đáo. Có thể nói, trước Xuân Diệu, chưa có ai “tỏ tình” với thiên nhiên như vậy. Nhà thơ cảm thụ thiên nhiên bằng tình lứa đôi, bằng thể xác và tâm hồn. Sự hấp dẫn của thiên nhiên hiện ra trong vẻ đẹp của người tình với “cặp môi gần” căng tràn tươi trẻ, mê đắm và quyến rũ. Từ ngon được thốt lên đầy khát khao, nhục cảm bởi nhà thơ đã huy động mọi giác quan: từ thị giác, tính giác, vị giác đến xúc giác để tận hưởng thiên nhiên, tuổi trẻ và cuộc đời này. Phép so sánh như đã đưa cặp môi của người thiếu nữ trở thành trung tâm của vũ trụ, con người trở thành chuẩn mực cho cái đẹp, là thước đo vẻ đẹp của tạo hóa. “Tháng giêng” là một khái niệm thời gian vốn vô hình, nhưng trong phép so sánh vừa táo bạo vừa mang sắc thái biểu cảm ấy đã trở nên trẻ trung hữu hình qua vẻ đẹp cặp môi gần của người thiếu nữ đầy sâu sắc.

Nhưng ngay lúc chàng thi sĩ trẽ đang ngất ngây mê đắm vô cùng trong niềm tận hưởng mật ngọt tình yêu nơi thiên đường trần thế, đang thỏa thuê với bữa tiệc lớn của trần gian và reo lên “tôi sung sướng” thì cũng chính là lúc thi nhân ngừng lặng với cảm giác “vội vàng một nửa”.

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”

Câu thơ bị ngắt làm hai, niềm vui không trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung sướng ấy ngắn ngủi biết bao. Dự cảm mơ hồ về sự mong manh, ngắn ngủi của kiếp người đã khiến cho thi nhân sống vội vàng tận hưởng.

“Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”

Hai câu thơ được xem như hai cái bản lề khép mở tâm trạng vừa vồ vập đắm say vẻ đẹp của cuộc sống tình yêu vừa là linh cảm bất an, băn khoăn âu sầu của nhà thơ vì thời gian qua mau, tuổi trẻ một đi không trở lại, quả thật Xuân Diệu là nhà thơ của những cảm quan tinh tế về thời gian.

Trong các bài thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng thì đây là những vần thơ xuân diệu nhất. Bằng một hình thức nghệ thuật điêu luyện, sự kết hợp nhuần nhị giữa cảm xúc mong manh và mạch luận lý, giọng điệu say mê, sôi nổi cùng với những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ. Qua 13 câu đầu, Xuân Diệu đã đem đến một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn tích cực: Trong thế gian này đẹp nhất, quyến rũ nhất chính là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu; thiên đường chính là cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế. Vì vậy hãy sống thiết tha yêu, hãy đắm say tận hưởng và tận hiến để mỗi ngày qua đi ta được sống trọn vẹn trong tình yêu và hạnh phúc.

# No copy

$@$ $Munz$



Trả lời 1:
Gia Sư Hoàng Khang gữi câu trả lời dành cho bạn:

Nếu như Tản Đà là người “đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc dạo chơi tân kì đương sắp sửa” thì có lẽ Xuân Diệu chính là người đã đưa những khúc nhạc ấy đến một vị trí xứng tầm trong lòng bạn đọc khi cho ra đời tập: “Thơ thơ” được xem là đỉnh cao trong phong trào thơ mới. Bài thơ “Vội vàng” được trích từ tập thơ ấy, tiêu biểu cho một phong cách thơ được cách tân rất mới mẻ về nội dung và hình thức của Xuân Diệu.

    Trong lúc ta cùng Tản Đà lên tiên với những hồn thơ nơi chốn bồng lai tiên cảnh, ta đắm chìm trong mộng tưởng cùng hồn thơ Hàn Mặc Tử,.. thì Xuân Diệu là người đã đưa ta về chốn trần gian. Lòng yêu đời yêu cuộc sống tha thiết đã khiến tâm hồn của thi sĩ níu chặt cuộc sống trần thế, không thoát ly hoàn toàn như những nhà thơ khác.Ông có một khát khao giao cảm với đời:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”

Ở đây thi sĩ sử dụng bốn câu thơ năm chữ với âm điệu nhanh, ngôn ngữ thơ dứt khoát, những điệp ngữ tôi muốn, cho kết hợp với điệp cấu trúc ngữ pháp đã tô đậm mức độ mãnh liệt nồng nàn của ước vọng níu giữ thời gian trong tâm hồn nhà thơ. Bởi lẽ thời gian là nỗi ám ảnh nhất trong cuộc đời, là thứ trôi đi rồi không bao giờ lấy lại được. Là một hồn thơ rạo rực, tha thiết với đời, ông luôn muốn tận hưởng những khoảnh khắc tươi đẹp nhất nơi trần thế nhưng tiếc thay một nỗi:

“Thời gian thấm thoắt thoi đưa
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai”
(Tục ngữ)

Chính vì thời gian cứ lạng lẽ trôi đi như vậy cho nên thi nhân rất trân trọng những giây phút tươi đẹp nhất của cuộc đời. Ông dùng tất cả giác quan mà tạo hoá ban tặng cho mình để cảm nhận thời gian. Vốn dĩ thời gian là một thứ vô hình, vô vị, vô tình nhưng đi vào thơ Xuân Diệu bỗng trở nên rất hữu hình, có vị qua hình ảnh “nắng” và “gió”. “Tôi muốn” được điệp lại kết hợp với những động từ mạnh như “tắt” , “buộc” thể hiện một tư thế chủ động muốn dừng thời gian lại. Đằng sau ước muốn ấy là một tinh thần nồng nhiệt, thái độ biết trân trọng cái đẹp. Thời gian vẫn cứ chảy trôi đó là quy luật muôn đời, mấy ai cảm nhận được nó trôi như thế nào, nhưng với Xuân Diệu ta có thể thấy được sự ý thức về thời gian qua những câu thơ của ông.

     Với sự quan sát tinh tế về cuộc sống nơi trần thế, cộng thêm với tài năng của mình, thi sĩ đã vẻ nên một bức tranh với đầy đủ màu sắc:     

Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa

     Các câu thơ nối tiếp nhau với âm điệu nhẹ nhàng, hình ảnh tươi sáng đã vẽ nên một khung cảnh thiên nhiên đậm sắc, hương, thanh. Chim chóc, hoa lá, ong bướm cũng tận hưởng cảnh xuân tươi tắn, mựơt mà. Giọng thơ nhẹ nhàng nhưng cảnh vật không tĩnh lặng mà lại náo động linh hoạt với những hình ảnh liên tưởng độc đáo. “Tuần tháng mật” là tuần đẹp nhất của đôi vợ chồng đắm say, giờ đây trở thành mùa của ong bướm dập dìu rất đổi lãng mạn. Tiếng chim hót trở thành “khúc tình si” hút hồn biết bao nhiêu con người yêu cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp. Và ánh nắng được nhân hoá như một nàng tiên e thẹn với những ánh mi dài cuốn hút vạn vật. Tất cả như cân xứng, chan hoà làm nên một mảnh vườn đẹp nên thơ mà rất trần đời.  Qua đó, ta thấy được sự tinh tế khi cảm nhận mùa xuân của nhà thơ và nhà thơ có tài khéo léo vẽ lại những hình ảnh tuyệt đẹp ấy bằng thứ sức sống căng tràn, sinh sôi nảy nở. Thi sĩ chọn thời điểm rạo rực nhất là “tháng giêng” , tươi mới nhất là ”mỗi buổi sớm”, để miêu tả cảnh vật khiến bức tranh thiên nhiên mùa xuân càng trở nên tinh khôi ,xinh đẹp. Song không chỉ vậy, nhà thơ còn tạo nên một thiên đường của xúc cảm. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác được dùng rất linh hoạt từ xúc giác, thính giác, đến thị giác. Trước cảnh trần thế xinh đẹp, tâm hồn của thi nhân càng rạo rực, tha thiết và bâng khuâng, từ đó đã khơi nguồn lên những hình ảnh sáng tạo độc đáo trong những vần thơ, nhịp thơ. Vào lúc ấy, hồn thơ, hồn người, hồn của thiên nhiên đất trời như giao hoà để Xuân Diệu viết nên một câu tuyệt bút:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

     ”Tháng giêng” vốn vô hình bỗng trở nên hữu hình căng đầy một tình yêu trần thế. Một thứ tình cảm rạo rực, cháy bỏng trong tâm hồn thi nhân đã được dồn nén kết tụ trong một từ “ngon” duy nhất rất tài hoa. Từ “ngon” được dùng rất đắt thể hiện một quan điểm rất mới mẻ về sự cảm nhận thiên nhiên, đó chính là điểm nhấn của câu thơ. Những cặp môi, nụ hôn là cách thể hiện tình cảm đậm sâu của con người. Thế rồi mãi miết đắm chìm trong hương vị thơm ngọt ấy Xuân Diệu bỗng nhận ra  rằng ” nhưng vội vàng một nửa”. Hân hoan, vui vẻ cùng mùa xuân nhưng ta chẳng thể nào làm trái lại với quy luật đó là thời gian cứ thế trôi qua. Vội vàng ngắm nhìn vẻ đẹp trước khi thời gian xóa nhòa những thứ tinh túy ấy. Vội vàng sống hết mình với mùa xuân của tuổi trẻ trước khi những xuân cuối của đời người ập tới, trước khi để ” nắng hạn mới hoài xuân”. Nhà thơ cảm nhận rất tinh tế ý vị của thời gian nên có sự chuyển đổi từ xúc giác sang vị giác. Bên cạnh đôi mắt nhìn đời rất tinh tế thì Xuân Diệu còn có một tâm hồn rất thiết tha, nhạy cảm với cuộc sống. Nhà thơ đã lấy con người làm khuôn mẫu để tạo ra những hình thái thiên nhiên mang một sức hấp dẫn kì lạ. Ông cảm nhận thiên nhiên bằng một lăng kính khác với những thi ca thời xưa. Qua đó, ta thấy thêm yêu một hồn thơ mới đã đem đến cho ta một hình ảnh đầy thi vị, một ánh màu mới mẻ trong thơ ca.

     Hình ảnh của cuộc sống đi vào thơ Xuân Diệu như một thứ ánh sáng được khúc xạ qua lăng kính tình yêu rất tinh khôi và giàu sức sống. Càng yêu đời, nhà thơ càng luyến tiếc trước dòng chảy của thời gian. Thời điểm vạn vật đang căng tràn nhựa sống cũng chính là lúc đang đứng trên ranh giới của sự lụi tàn, héo úa. Đọc thơ Xuân Diệu, ta thấy từng dòng chữ rất mới, những tư tưởng tiến bộ thoát ly hoàn toàn những khuôn khổ mang tính cổ điển, tuy say mà tỉnh, mộng nhưng thực.

      Qua đó ta thấy được đoạn thơ này thể hiện một một khát vọng sống thiết tha mãnh liệt rất trần đời. Một màu sắc, hương vị lạ góp phần làm đa dạng sự mới mẻ trong phong trào thơ mới. Dù rằng thơ Xuân Diệu mang một phong cách rất Tây nhưng nhìn chung lầu thơ của ông được xây dựng trên mảnh đất thơ ca truyền thống. Sự tiếp thu những tư tưởng mới, biết hoà nhập nhưng không hoà tan là nét chung rất đáng ngợi ca khâm phục của Xuân Diệu nói riêng và các nhà thơ mới nói chung. Vì thế Xuân Diệu xứng đáng là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh).


Phụ huynh gặp khó khăn cân bằng công việc và dạy con chương trình mới. Hãy để dịch vụ gia sư của chúng tôi giúp bạn giảm bớt áp lực, cung cấp kiến thức chuyên sâu và hỗ trợ con bạn học tập hiệu quả.

Viết một bình luận

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhập tên ba (mẹ) để được Trung tâm tư vấn lộ trình học cho bé

    KHÔNG HỌC ĐÔNG, KHÔNG ÁP LỰC – GIA SƯ 1 KÈM 1, MỞ CỬA TƯƠNG LAI!
    MIỄN PHÍ HỌC THỬ 1 BUỔI - LIÊN HỆ NGAY
    test_ai